Trích dẫn hay trong cuốn sách: Bố con cá gai

Tóm tắt: “Bố Con Cá Gai” của nhà văn Cho Chang In là một câu chuyện đầy cảm động về tình cha con và sự kiên nhẫn, hy vọng trước những khó khăn của cuộc sống. Câu chuyện tập trung vào một cậu bé tên là Daum, người bị mắc phải căn bệnh máu trắng nghiêm trọng. Khi cậu bé được chẩn đoán, cha của Daum quyết định từ bỏ mọi thứ để dành thời gian chăm sóc và điều trị cho con trai.

Hành trình chữa trị của Daum và cha kéo dài qua nhiều thử thách và khó khăn. Họ phải đối mặt với sự đau đớn của liệu pháp, cũng như những biến cố trong cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, qua mỗi thử thách, tình cảm giữa cha và con càng trở nên chặt chẽ hơn. Cha của Daum dành trọn tâm huyết và hy vọng vào việc chữa trị cho con trai, cũng như động viên và ủng hộ cậu trong mọi tình huống.

Cuốn sách không chỉ là một câu chuyện về sự hy sinh và tình yêu của cha mẹ, mà còn là một thông điệp về sức mạnh của tình thương và niềm tin trong việc vượt qua khó khăn. Đồng thời, nó cũng làm nổi bật tầm quan trọng của việc chăm sóc và ủng hộ nhau trong gia đình, đặc biệt trong những thời điểm khó khăn nhất.

  1. Nếu như bố biết được tất cả những điều quan trọng còn lại trong cuộc sống, thì hẳn bố sẽ không mang dáng vẻ mệt mỏi và đơn độc như bây giờ.

  2. Có lẽ là bố buồn. Bố buồn bã và nhìn lên bầu trời xa thật xa kia, chịu ướt mưa như một tên ngốc. Mưa có lẽ chẳng thể xóa đi nỗi buồn cho bố đâu, nhưng bố vẫn ngồi lì dưới mưa chẳng hề nhúc nhích.

  3. Tôi không phải là kẻ hèn nhát đâu. Hèn nhát á? Các bác sĩ đều phải công nhận là tôi rất mạnh mẽ. Thực ra thì trong phòng bệnh, chẳng có đứa bé nào chịu tiêm và uống thuốc giỏi như tôi cả đâu nhé.

  4. Thời gian qua tôi đã tận mắt chứng kiến những đứa trẻ bị chết. Có những đứa bé chết khi đang ngủ, cũng có cả những đứa bé đang la hét ầm ĩ thì đột nhiên tắt thở. Nếu như phải chết, giá như tôi được chết khi đang ngủ thì thật tốt biết mấy.

  5. Tôi thích cầu nguyện. Vì khi cầu nguyện thì thời gian trôi qua thật nhanh. Cả sự đau đớn bấy lâu cũng có thể quên đi được. Nhưng tôi không cầu nguyện cho bệnh đỡ đi như ngày xưa nữa.
    – “Chúa ơi, xin hãy mau đưa con lên thiên đường.”
    Đó là điều mà tôi đang cầu nguyện ngày ngày.

  6. Giờ đây tôi đã chán ngán với bệnh tật lắm rồi. Có lẽ bố cũng vậy. Hơn nữa, tôi còn đang nghĩ cách đó có khi cũng tốt cho cả người bố nghèo rớt của tôi nữa. Nhưng nếu tôi lên thiên đường mất thì bố sẽ sống một mình như thế nào nhỉ? Liệu rằng bố có lại uống rượu suốt như khi mẹ ra đi hay không? Tôi thật sự rất lo lắng về điều đó.

  7. “Bác sĩ ơi, phải đau thêm bao nhiêu nữa thì mới chết được ạ?”
    Đó là câu nói đầu tiên phát ra từ miệng đứa trẻ đang nằm co ro, quay người sang bên để các bác sĩ chọc hút tủy xương.

  8. gay khi việc chọc dò tủy xương vừa bắt đầu, anh đã nghĩ mãi. Giá như chỉ cần nghe thấy tiếng kêu khóc của nó thôi cũng tốt biết mấy. Dù sao khi thấy những đứa trẻ khác oằn mình gào thét, kháng cự, chí ít lòng anh còn thoải mái hơn thế này. À không, thà rằng đứa trẻ cứ ngất đi còn hơn. Như vậy nó sẽ không cảm thấy đau đớn nữa, còn anh thì có thể nhỏ một giọt nước mắt trong số biết bao nhiêu giọt nước mắt đang dồn nén bấy lâu.

  9. “Tiêm đau lắm đúng không? Cháu cố chịu đựng thêm một chút nữa thôi, sắp xong rồi.”
    “Không phải chuyện tiêm đâu ạ. Thật đấy ạ. Bây giờ cháu chỉ cần không phải đau đớn nữa thôi. Đau đến mức này thì chết đi cũng được. Vì nếu chết đi thì cháu sẽ không còn thấy đau nữa ạ.”

  10. Có lẽ đứa trẻ này đã sống một nghìn năm rồi không biết chừng. Một cây du oằn mình trong gió mưa, bóng tối, trận nóng dữ dội hay cơn lạnh khắc nghiệt suốt chiều dài nghìn năm đằng đẵng, biết đâu lại chính là dáng hình thật sự của đứa trẻ này thì sao. Biết đâu đứa trẻ đang muốn từ bỏ việc nuôi dưỡng cái gốc rễ của sự khổ đau thì sao.

  11. Bầu trời đã thuộc về người khác. Với người phụ nữ, giờ chỉ còn lại những chuỗi ngày dài khi đã đánh mất đi bầu trời.

  12. Đúng như đứa trẻ nói, không biết nó còn phải chịu đựng đau đớn thêm bao nhiêu nữa thì chuyện này mới kết thúc. Và liệu có kết cục nào khác đang chờ đợi nó ngoài cái chết hay không.

  13. Liệu rằng cách thật sự có thể giúp đứa trẻ, phải chăng là để nó được ra đi một cách bình an, chứ không phải đẩy nó vào sâu bên trong cuộc chiến không có hồi kết với bệnh tật này?

  14. Những chuyện tương tự như thế anh đã nghe đến mấy lần rồi. Cũng đã thành quen. Nhưng cho dù có nghe bao nhiêu lần, anh vẫn cứ hốt hoảng như thể có một thanh sắt nung đỏ đang đặt ngay trên đỉnh đầu mình.

  15.  Tính tình chị y tá cằm nhọn cũng sắc bén không thua kém gì khuôn mặt chị. Chị luôn châm chọc những người ở trong phòng bệnh số 201 bằng tâm địa nhọn hoắt của mình.

  16. Tôi rất buồn. Mỗi khi buồn là tôi lại cố ngủ. Nhưng không phải lần nào cố gắng cũng thành công. 

  17. Việc đứa trẻ mang trong mình một niềm tin vào thế giới bên kia có lẽ lại là một điều may mắn. Vì niềm tin ấy sẽ làm dịu đi nỗi đau hiện tại cho đứa trẻ, và ít nhiều cũng giúp giảm bớt nỗi lo âu về sự ly biệt với thế gian này.

  18. Đứa trẻ đã từng nói rằng nếu như được chết thì tốt biết mấy. Ấy là lúc niềm hy vọng vẫn đang còn le lói như ánh đèn hải đăng giữa mịt mùng biển khơi. Anh đã tin rằng nhờ ngọn đèn hải đăng mà những con tàu có thể biết được đường đi, vượt qua mọi sóng gió bão bùng ngoài biển cả và chạm tới đất liền một cách bình an vô sự.

  19. Cô ấy nhìn tôi với dáng vẻ như một quả bóng bay bị xẹp mất gần nửa.

  20. Tôi muốn đến biển. Hồi học mẫu giáo tôi từng được đi nghỉ hè ở biển Dong Hae. Bố đã hứa nhân dịp tôi được xuất viện sẽ đưa tôi đến biển Dong Hae chơi. Mỗi khi đau đến phát khóc, nghĩ tới lời hứa của bố tôi lại cố gắng chịu đựng.

    Từ sau khi mẹ ra đi, tôi không còn được đến biển nữa. Thật ra là vì tôi cứ ốm mãi nên mới không đi được, chứ cũng không thể nói là tại mẹ.

  21. Dù mẹ có ở bên cạnh chúng tôi thì hẳn cũng không có gì đổi khác. Không chỉ biển mà tất cả mọi thứ. Một khi nào đó gặp lại mẹ, nhất định tôi sẽ phải nói cho mẹ biết sự thật này. Chắc là mẹ sẽ hiểu ngay điều tôi muốn nói thôi. Và biết đâu mẹ lại hối hận cũng nên. Rồi biết đâu mẹ lại xin chúng tôi tha thứ cho mẹ nữa.