TRỐN LÊN MÁI NHÀ ĐỂ KHÓC – LAM

TRỐN LÊN MÁI NHÀ ĐỂ KHÓC – LAM

Bạn biết không, thừa nhận bản thân không hạnh phúc là một việc rất khó. Xenh nói vậy là bởi chúng ta thường hay có xu hướng “Tốt khoe, xấu che”. Do đó khi có ai hỏi chúng ta rằng: “Bạn có đang hạnh phúc?” thì chúng mình thường hay trả lời rằng: “Tôi vẫn tốt”, “tôi vẫn ổn”. Tuy nhiên Xenh biết đằng sau những chữ “ổn” ấy là cả một bầu trời nước mắt và vô vàn nỗi sầu. Xenh biết tâm can bạn đang phải hứng chịu những thương tổn có thể là đã tồn tại âm ỉ rất lâu từ trong quá khứ. Những nỗi đau ấy theo khoa học vẫn thường hay lý giải là sang chấn tuổi thơ chưa được chữa lành. 

Vậy, bạn có những tổn thương tâm lý nào trong quá khứ nhưng đến nay bạn vẫn còn bị ám ảnh? Bạn có muốn trở lại để chữa lành đứa trẻ bên trong và chấm dứt những cơn ác mộng kéo dài? Hôm nay hãy cùng Xenh và Vythanhtaptanhsanhsoi tìm hiểu góc nhìn chữa lành những sang chấn tuổi thơ của nhân vật đồng thời là tác giả cuốn sách “Trốn lên mái nhà để khóc” là Lam nhé!

Đầu tiên như thường lệ, để quý khán giả đang nghe video này có thể hiểu rõ hơn về cuốn sách này thì xin phép mọi người cho Xenh được giới thiệu sơ qua về bối cảnh và nội dung cuốn sách. 

Cụ thể thì theo như Xenh được biết, tác giả cuốn sách này là Lam và Lam đang viết về chính cuộc đời của mình. Lam đã chia bố cục cuốn sách ra làm 2 phần là khi Lam còn bé và khi Lam đã lớn hơn ở 2 hình tượng nhân vật là Mười Ba và Hai Mươi.

Ở chương đầu khi giãi bày về những tổn thương trong quá khứ, thật lòng Xenh đã không kìm nén nổi cảm xúc bởi Xenh không biết Lam rốt cuộc là đứa trẻ còn ngô nghê hay là 1 đứa trẻ phải trưởng thành quá sớm. Điển hình là trong mẩu chuyện kể cô bé Mười Ba ghen tị với thằng Hoa đầu xóm khi không có con diều phượng năm đuôi và hình ảnh cô bé từng giận lẫy chẳng muốn chơi với người bạn thân Tóc Rối chỉ vì cô bé không có bố nhưng người bạn của mình lại được bố hết sức cưng chiều. Trong giây phút chạnh lòng mỗi sáng khi thấy bố của Tóc Rối cúi xuống cột dây giày cho bạn mình thì cô bé đã thầm nảy ra một ý nghĩ xấu xí: “Em ước gì nhỏ cũng không có bố như em”. Tuy nhiên khi nghe tin Tóc Rối mất bố, em lại lặng người đi. 

“Tóc Rối mất bố, không phải vì bố nhỏ qua đời. Tóc Rối mất bố vì bố nhỏ đã lựa chọn trở thành trụ cột của một gia đình khác – một gia đình được xây dựng sau lưng mẹ con nhỏ”. Khi ấy Mười Ba đã đau lòng mà ca thán: “Trời ơi, nếu như mọi đau khổ nhỏ đang phải chịu đựng đều xuất phát từ suy nghĩ xấu xí của con năm ấy, xin hãy phạt lấy tấm thân con. Chỉ một đứa trẻ đáng thương trên đời này là đủ”. 

Khi Xenh đọc đến đây, Xenh cảm thấy sững người vì sự để tâm của một đứa trẻ. Có lẽ đứa trẻ thiếu thốn tình thương là một đứa trẻ có tính tình vô cùng nhạy cảm. Cô bé sau khi không có được chiếc diều vì mẹ trót hứa nhưng chưa kịp mua cho em đã luôn thầm hối tiếc: “Mẹ rời đi trước khi kịp thực hiện lời hứa mua diều cho em, và cũng chẳng có ai dạy em cách thả cánh diều lên bầu trời. Những con diều không cất cánh được vì thế cứ mãi mắc kẹt trong trái tim em.” hay “Giá mà mẹ còn ở nhà để cánh diều trong giấc mơ của em được thả lên bầu trời rộng lớn, chắc trái tim em sẽ sống trọn vẹn với sự ngây ngô cuối cùng của tuổi ấu thơ, để em không không sống trong ngày thơ ấu này mà cứ mơ về một ngày thơ ấu khác”.

Cứ thế, những nuối tiếc lấp lửng kể từ ngày mẹ đi khiến Mười Ba từ mộng mơ chuyển sang đăm chiêu dần. Cô bé từng vô tư rong ruổi trốn những giấc ngủ trưa trèo lên triền đê ngửi đám cỏ ngai ngái hoe màu nắng nay đã không còn tâm trạng bình thản ngắm bầu trời xanh trong vắt. Tất cả mọi thứ trong mắt cô bé khi đó trở nên xám xịt khi những Người Lớn lần lượt tìm đến nhà và hung dữ đập phá. Khi đó triền đê trong mắt em cũng toàn màu nỗi đau. Những ngọn cỏ mực cứ thế cắt lên chân, lên da và để lại những vết thương thật sâu trong tâm hồn cô bé mười ba tuổi.

Cuốn sách này đã mở ra chương đầu như thế. Tuy nhiên nếu bạn để ý kỹ thì bạn sẽ thấy trước chương Em – Chương viết về Mười Ba thì tác giả đã lồng ghép 1 bối cảnh để đó là giữa đêm khuya Mười Ba gọi điện cho Hai Mươi để gửi lời cảm ơn bởi vì người chị này đã sẵn sàng lắng nghe những gì cô bé nói. 

Trong lời nói đầu ấy cô bé kể cho Hai Mươi về những tối tăm tại nơi mình sống, về chuyến đò xa xứ của mẹ và nơi mặt trời không mọc buổi sáng, cô bé chờ đợi mãi đến tối cũng chỉ thấy một ngọn sao rơi. Cô không biết dáng hình bàn tay, không thấy được trước mắt mình liệu là đêm đen, đường đi hay hố rỗng. Mặt đất nơi cô bé sống lúc thì mềm nhũn lúc thì sỏi đá nhọn hoắt cứa vào da. Dù là đường đi nào cô bé cũng có thể bị thương hoặc rơi vào sụt lún. Vậy nên để thoát khỏi bóng đen phủ đặc chẳng thở nổi, cô bé đã tự thân leo lên mái nhà chót vót để lắng nghe thấy tiếng của một dòng sông. 

Cô bé tin rằng sóng vỗ rì rào truyền từ nơi xa hẳn sẽ có 1 dòng sông rất rộng. Bầu trời ở đó sẽ có đầy ánh sao, đom đóm sẽ lập loè và thật nhiều quả gáo chín vàng. Chân em bị gai gáo đâm rát nhưng em vẫn sẽ gom chúng và dùng đuốc soi những vết xước trên chân.

Khi Hai Mươi hỏi: “Em có sợ không?”

Mười Ba trả lời rằng: “Em có”.

“Thế sao em vẫn bước đi?”

“Vì em tin phía trước là đường” – Mười Ba trả lời

Những điều cô bé miêu tả tại ở đầu sách ấy tưởng chừng mơ hồ lắm nhưng sau khi đọc xong hết cuốn sách Xenh lại thấy đây là 1 cô bé rất dũng cảm và sâu sắc bởi sau tất cả, Mười Ba vẫn bước đi trên những hòn đá nhọn hoắt với niềm tin chúng sẽ nở hoa. Mười Ba bước đã đến bên Hai Mươi dù trên tay vẫn còn chiếc sẹo dài trên cổ tay trái và sau cùng, Hai Mươi đã dám thú nhận và xin lỗi Mười Ba vì “đã xem em là một phần nhơ nhuốc của cuộc đời mình”.

“Chị biết chúng ta vẫn luôn giấu nỗi đau trong lòng vì nghĩ nó chẳng xinh đẹp chút nào. Chúng ta sợ nếu như mang ra khỏi trái tim, nỗi đau ấy sẽ làm vấy bẩn niềm vui của người khác. Lâu dần chúng ta xem nó như lỗi lầm của bản thân”. 

“Chị mong một hôm nào đó, chúng ta lại vô tình gặp lại nhau trên những mái nhà trong tim. Khi ấy, chúng mình tìm đến đây vì đang cần một nơi đây vì đang cần một nơi an tĩnh để khóc, chứ không phải  vì muốn chôn vùi nỗi đau kia xuống bóng tối sâu thẳm ngoài kia.

Cảm ơn em vì trong khoảnh khắc ngồi trên mái nhà, em đã cố ngước nhìn lên bầu trời dù chỉ thấy màn đêm đen kịt. Cảm ơn em đã không nhảy xuống bóng tối dưới chân mình”.

Xenh nghĩ trong giây phút tìm về mái nhà thơ ấu khi ấy, “ nơi chúng có thể đến gần hơn với bầu trời nhất. Mái nhà đủ cao để thương tổn không với tới, để đến gần hơn với vì sao, để bóng tối chỉ là mảng màu dưới đất” thì Lam đã thật sự gặp lại mình trong một hình hài khác. Khi ấy và Lam Lớn đã nói với Lam Nhỏ: “Chị đến từ miền đất hứa, em là đứa nhỏ có ngày mai và cơn bão này rồi sẽ tạnh”. 

Sau cùng, Xenh thật lòng vẫn muốn khuyên bạn hãy tìm đọc quyển sách này bởi nó không chỉ giúp bạn mở khóa những tầng lầu cảm xúc mà đôi lúc sẽ dẫn bạn trở về miền tuổi thơ, nơi có những đau khổ, sự hơn thua, bình yên và cả hơi ấm là mùi dầu cù là của Ngoại. Vậy nên sau bài review này bạn có thể tìm mua cuốn sách “Trốn lên mái nhà để khóc” của Lam để được thương, được hiểu và được trở về để chữa lành những vỡ vụn cảm xúc khi bạn cũng mất ông, mất bà, chưa biết mặt cha, xa mẹ từ tấm bé nhé!

Xenh xin thương mến đọc tặng thêm các bạn 1 bài thơ nhỏ trong cuốn sách này như sau:

“có những đứa trẻ lớn lên từ nhà

có những đứa trẻ từ thương tổn nơi đó đi ra

nếu đứa trẻ nào cũng là một bông hoa

mình mong em có đủ nắng vàng

để chờ ngày bung nở

rằng em vẫn xứng đáng với yêu thương

dẫu đã đi qua trăm lần tan vỡ”.

Hãy Follow và Subscribe kênh Vythanhtaptanhsanhsoi để lắng nghe thêm những video hấp dẫn về sách Xenh sắp gửi tới bạn nhé! Hẹn gặp các bạn tại số sách tiếp theo tại Vythanhtaptanhsanhsoi.