Nhận thấy những thiệt thòi trong học tập của trẻ em vùng cao, nhóm sinh viên từ nhiều trường đại học tại TP.HCM cùng nhau kết nối và lên ý tưởng xây dựng thư viện tạo ra cơ hội học tập tốt hơn cho các học sinh.
Từ mong muốn thư viện sách của thầy giáo vùng cao
Thông qua chia sẻ của cô Lưu Thị Thanh Mai, giảng viên môn kỹ năng, marketing, nguồn nhân lực Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, nhóm sinh viên thuộc lớp kỹ năng VNV Education do cô Thanh Mai giảng dạy biết được nhu cầu và mong muốn xây dựng thư viện sách của thầy giáo vùng cao Kosa Lê Huỳnh.
Thầy Kosa Lê Huỳnh chia sẻ: “Đa số học sinh mà mình dạy đều từ các gia đình nghèo và thiếu tình thương của cha hoặc mẹ. Việc mua dụng cụ học tập, sách để đọc rất hạn chế. Các em không tiếp cận được nguồn kiến thức rộng từ bên ngoài do không có thư viện. Vậy nên tư duy của các em còn hạn chế. Có nhiều em học khá tốt nhưng không có chi phí sinh hoạt, học tập để theo học các lớp cao hơn”.
Sau khi nghe những chia sẻ về khó khăn và thiếu thốn về chất lượng học tập, nhóm sinh viên đã đi khảo sát tiền trạm và đưa ra quyết định thực hiện dự án chung tay góp sách nhằm xây dựng thư viện đọc cho học sinh dân tộc K’Ho tại bản Lán Tranh, xã Đưng K’Nớ, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng.
Quy đổi sách thành tượng tô hoặc vật phẩm làm từ mo cau
Đây là dự án nằm trong chuỗi chương trình “Light up your dream” (Thắp sáng ước mơ của bạn) với tên gọi “Hải đăng trên bản”. Dự án được thực hiện với ý nghĩa mang đến ánh sáng và giúp đỡ trẻ em vùng cao nói chung cùng 30 học sinh trong cộng đồng lớp học của thầy giáo Kosa Lê Huỳnh tìm được định hướng thông qua con đường học tập.
Để thực hiện dự án, Nguyễn Ngọc Nam, trưởng điều phối dự án, cho biết lớp đã mất khoảng 2 tháng để lên kế hoạch và thống nhất hình thức quy đổi sách thành tượng tô hoặc vật phẩm làm từ mo cau. Sách sau khi được mang đến sự kiện sẽ được phân loại thông qua khối lượng và loại sách. Tuỳ thuộc vào loại sách như: văn hoá, lịch sử, tiếng Anh, sách thiếu nhi hay sách giáo khoa, giấy vụn… người tham gia sẽ nhận được từ 1 đến 2 vật phẩm mo cau hoặc tượng tô. Ngọc Nam chia sẻ: “Tô tượng là trend gần đây nên chúng mình muốn tạo ra một hoạt động dành cho các bạn trẻ đến để có thể vẽ và trang trí tượng. Mo cau là một ý tưởng thêm của chúng mình nhằm lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường đến với mọi người”.
Dự án nhận quyên góp nhiều loại sách khác nhau, tuy nhiên sau khi khảo sát ở cộng đồng lớp học, Ngọc Nam bày tỏ: “Chúng mình mong muốn nhận được nhiều thêm những đầu sách như Bách khoa toàn thư, self-help, tiếng Anh để các bạn trong lớp có thể đọc thêm về thế giới bên ngoài”.
Kết thúc đợt quyên góp sách, các thành viên trong dự án phân loại và chọn ra những đầu sách tốt nhất. Ngọc Nam nói thêm: “Sau khi phân loại sách, những loại sách như sách giáo khoa cũ hay giấy vụn, bìa các tông sẽ được đem bán và mua những đầu sách chất lượng để lên Lán Tranh gửi tặng các bạn học sinh tại lớp học”.
Cô Lưu Thị Thanh Mai chia sẻ niềm vui khi dự án thư viện cho học sinh vùng cao được nhiều người đến, hưởng ứng nhiệt tình: “Tôi rất vui và mong muốn dự án được nhiều người quan tâm hơn nữa”.
Được biết “Hải đăng trên bản” là sự kiện diễn ra tại đường sách TP. HCM từ ngày 19-21.8.2022. Những người tham gia sau khi quy đổi sách còn có thể ngồi lại tại không gian sự kiện để tô tượng. Nguyễn Hường (33 tuổi, Q.Tân Bình, TP.HCM) bày tỏ: “Tô tượng là hoạt động phù hợp với 2 con đang ở độ tuổi mầm non, lớp 1 của mình. Đây là hoạt động giải trí giúp trẻ tránh xa tivi và các thiết bị điện tử trong kỳ nghỉ hè”.