“KHÔNG DIỆT KHÔNG SINH ĐỪNG SỢ HÃI” – THIỀN SƯ THÍCH NHẤT HẠNH

Mến chào quý vị thính giả đang lắng nghe chuyên mục review sách cùng kênh Vythanh.com. Mình là Xenh và hôm nay mình sẽ giới thiệu cho các bạn một cuốn sách mang tên “Không diệt không sinh đừng sợ hãi” của tác giả, thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Đầu tiên, trước khi bắt đầu bước vào những nội dung trong cuốn sách, mọi người cho Xenh hỏi là đã bao giờ các bạn nghĩ tại sao bạn bè, người yêu hay thậm chí là một món đồ lại xuất hiện trước mặt bạn hay chưa? Bạn có tin rằng nó là duyên phận? Và nếu một ngày bỗng nhiên duyên phận đó cạn dứt thì liệu bạn sẽ trở nên đau khổ, buồn tủi hay dửng dưng vì nó là điều hiển nhiên trong cuộc sống? Hãy cùng Xenh lý giải về góc nhìn đằng sau hai chữ “duyên phận” thông qua các chia sẻ sau đây nhé!

Trước hết, lý giải về Nhân duyên, Thiền sư Thích Nhất Hạnh nêu lên quan điểm: “Ta thường cho rằng chỉ cần một nhân duyên là đủ đưa tới sự vật kia. Khi thực tập nhìn sâu ta sẽ thấy là ngày cả một nguyên nhân không bao giờ có thể tạo ra kết quả được. Cụ thể: Người thợ mộc không thể là nhân duyên duy nhất tạo ra cái bàn. Nếu ông ta không có những dụng cụ như đinh, cưa gỗ, thời gian, không gian, thức ăn, cha mẹ sinh ra ông và bao nhân duyên khác thì làm sao ông có thể tạo ra cái bàn được.

Tương tự, khi nhìn vào bông hoa ta thấy người làm vườn chỉ là 1 trong số những nguyên nhân vì nếu không có đất, mặt trời, đám mây, phân bón, hạt giống và nhiều thứ khác thì bông hoa sẽ không thể rộ nở. Vì thế khi nhìn sâu bạn sẽ thấy cả vũ trụ đang giúp bông hoa biểu hiện. Do đó có thể nói nguyên nhân của sự vật này cũng đồng thời lại là kết quả của nhiều thứ khác. Do đó, nếu bạn gặp một người, được tặng một món quà thì điều đó cũng có nghĩa là cả vũ trụ đang giúp sự vật và con người đó biểu hiện trước mặt bạn thông qua duyên phận được tích luỹ.

Tuy nhiên, khi bạn mất đi một món đồ, bông hoa mà bạn thích bị úa tàn, người thân thương của bạn rời đi mất thì cũng đừng vội buồn bởi Bụt cho rằng: Thực tế sống và chết chỉ là những ý niệm không có thực. Khi chúng ta coi đó là sự thật thì đó sẽ là lý do khiến chúng ta sinh ra khổ não. Do đó để giảm bớt những đau khổ Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã đưa ra lý giải thông qua việc: Không sinh – Không diệt vô thường bởi: Những sự vật, sự việc, con người bạn gặp, tiếp xúc không mất đi mà nó chỉ chuyển hóa thành năng lượng hoặc biểu hiện ở những hình tướng mà chúng ta có thể thấy quen thuộc hoặc xa lạ. Nếu tinh ý chúng ta sẽ có thể nhận ra và ngược lại chúng ta không biết đến sự hiện diện của nó.

Chẳng hạn ở khía cạnh Không sinh – Không diệt, Thiền sư Thích Nhất Hạnh có 1 cây chanh và 1 ngày cây chanh đó ra quả. Thiền sư nhận ra, thật chất ban đầu trái chanh đã có sẵn trong cây chanh dù ban đầu thiền sư chỉ thấy cành, lá và hoa chanh. Tuy nhiên qua thời gian, cây chanh đó đã biểu hiện ra và thành trái chanh nhờ nhân duyên là thời gian để hiển hiện.

Vì vậy Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã bày tỏ: Nếu đầy đủ nhân duyên thì sự vật sẽ biểu hiện. Sự biểu hiện đó không tới từ đâu và khi nó ngừng biểu hiện thì nó cũng không đi đâu hết. Chúng không đến cũng không đi. Khi nhân duyên đầy đủ thì chúng ta biểu hiện, khi nhân duyên hết thì chúng ta ẩn tàng. Do đó trái chanh và bông hoa đào Nhật Bản hiện ra với bạn là nó đã gom đủ nhân duyên. Ngược lại khi hoa héo, tàn thì là nhân duyên giữa nó và bạn đã cạn nên nó ẩn tàng.

Tiếp đến, khi đối chiếu trên cơ sở Không diệt – Không sinh, khi bạn có người thân mất đi thì Thiền Sư Thích Nhất Hạnh cho biết: Các quan niệm Có – Không sẽ khiến chúng ta dễ bị rối trí và trói vào một ý niệm nên chúng ta sẽ cảm thấy đau khổ khi một ngày nào đó người thân mất đi. Vậy làm thế nào để chúng ta giảm bớt nỗi đau khi người thương không còn ở bên cạnh bạn nữa? Hãy nghe 2 ví dụ sau đây của Thiền sư để soi xét nhé!

Ví dụ 1: Một thương gia khi đi làm xa trở về, ông thấy căn nhà của mình đã cháy rụi. Trên thềm nhà ông khi đó có 1 cái xác nhỏ đã bị chết cháy thành than và ông cho rằng đó là đứa con xấu số của mình nên ông đã mang tro của đứa con trai đó đeo đêm lẫn ngày trước ngực. Cho tới khi cậu bé trốn được toán cướp trở về gọi cửa thì ông lại nghĩ đó là 1 đứa bé đang trêu chọc nên ông không mở cửa. Cuối cùng đứa bé đó đã bỏ đi và ông mất con trai thật sự từ đấy.

Và ví dụ 2 khi Thiền sư mất đi mẹ của mình: “Khi mẹ mất, tôi đau đớn. Khi chỉ mới bảy hay tám tuổi đầu, chúng ta không hề nghĩ sẽ có ngày mất mẹ. 

 Khi đó, ngài đã viết vào nhật ký: “Tai nạn lớn nhất đời mình đã xảy ra rồi”. Tôi đau khổ hơn một năm sau khi mẹ qua đời. Nhưng một đêm, khi ngủ trong cái thất nhỏ ở vùng cao nguyên Việt Nam tôi nằm mơ thấy mẹ tôi. Tôi thấy tôi ngồi chơi bên bà và chúng tôi nói chuyện rất vui. Mẹ tôi trông trẻ đẹp. Tóc bà thả dài xuống lưng. Thật là sung sướng được trò chuyện với mẹ như thể mẹ còn sống. Tôi tỉnh dậy. Tôi có cảm giác tôi chưa từng mất mẹ. Cảm tưởng mẹ vẫn ở trong tôi rất rõ ràng. Tôi hiểu được ý tưởng mất mẹ chỉ là ý tưởng mà thôi. Rõ ràng lúc đó tôi thấy mẹ luôn luôn còn sống trong tôi.

Từ lúc ấy, ý nghĩ mất mẹ không còn hiện diện trong tôi nữa. Tôi chỉ cần nhìn vào bản tay tôi, cảm nhận hơi gió mát trên mặt đất hay dưới bàn chân là tôi nhớ mẹ luôn luôn có mặt với tôi trong mọi thời điểm.

Sau cùng Thiền sư chia sẻ:  Khi ta bị kẹt vào một ý niệm và coi đó là chân lý thì ta sẽ mất cơ hội để thấy được chân lý. Dù chân lý tới nhà gõ cửa, bạn cũng sẽ từ chối vì cái tâm không mở được. Ngược lại nếu biết tu tập trên phương diện có duyên thì  hiện hữu vô duyên sẽ ẩn tàng thì bạn sẽ không vướng vào ý niệm sai lệch và giờ phút chia lìa bạn sẽ không quá khổ sở. Bạn sẽ sớm nhận thức được rằng thật sự là khi lớn lên ai cũng sẽ đều mất mẹ và mẹ bạn vẫn đang sống trong bạn vì bản thể của con người vốn vô sinh, bất diệt. 

Tiếp đó, một khía cạnh khác có mối liên hệ mật thiết đến việc Không sinh – Không diệt khiến chúng ta phải lắng lòng suy ngẫm đó là sự vô thường. Cụ thể: 

“Vô thường có nghĩa là mọi sự vật đều thay đổi”. Khi đó nếu chúng ta đặt vô thường trong hoàn cảnh tích cực chúng sẽ giúp chúng ta trở nên hạnh phúc và an nhàn trong tâm tưởng.

Chẳng hạn: 

“Khi giận dỗi chúng ta thường làm gì? Chúng ta la hét và ráng đổ lỗi cho người khác gây ra nhưng chúng ta hãy nhìn vào tương lai, khoảng năm mươi, sáu mươi năm sau chúng ta sẽ ở đâu. Có thể nói chúng ra có thể mất nhau bất cứ giờ phút nào và chúng ta sẽ không giận dữ nữa. Ta sẽ muốn ôm, hôn người đó và nói rằng: “Thật tuyệt diệu khi anh, em còn sống ở đây”. Đây cũng chính là lý do điên rổ làm khổ chúng ta vì ta quên mất cả hai đều vô thường và chỉ có tự do an lạc là thứ mà chúng ta có được nhưng nếu không có chánh niệm về vô thường chúng ta sẽ không có hạnh phúc.

Có khi ta còn không muốn nhìn thấy người kia khi họ còn sống. Nhưng khi họ chết rồi thì ta lại viết điếu văn rất hay và mua hoa phúng điếu. Nhưng khi người chết rồi thì đâu còn ngửi được hoa thơm. Khi đó ta mới hiểu mọi sự vô thường.”

Mặt khác, Thiền sư Thích Nhất Hạnh bày tỏ: “Chúng ta không nghĩ vài năm sau con cái lấy chồng, lấy vợ và lập gia đình riêng nên không biết trân quý những phút giây con trẻ ở nhà với chúng ta. người trẻ không nghĩ rằng mỗi ngày qua đi chúng sẽ vơi bớt những ngày kề cận cha mẹ, vợ con nên họ không biết quý những giây phút sống gần cha mẹ già vợ con con. Do đó, ở một khía cạnh khác ta thấy sự vô thường có khía cạnh tích cực khi nhờ nó mà vạn vật đều có cơ hội hiện hữu, nỗi đau sẽ qua đi và chúng ta cần biết trân quý những gì ở hiện tại trước khi nó trở nên vô thường và tuột mất.

Cuối cùng, “Sự sống và cái chết diễn ra trong cơ thể chúng ta suốt ngày đêm vì bất kỳ thời điểm nào cũng có các tế bào chết đi và các tế bào mới được sinh ra đời. Dù chúng ta hay có khuynh hướng cho rằng hạnh phúc chỉ có mặt trong tương lai nhưng chúng ta có quyền mong đợi những điều tốt đẹp hơn. Vì thế, tại sao chúng ta lại không sống hạnh phúc ngay ở hiện tại?” Vythanh.com và Xenh xin chúc cho bạn sớm buông bỏ được những tạp niệm, khổ đau trong lòng. Hy vọng thông qua cuốn sách này bạn đã tìm thấy những an yên và niềm an ủi. Hãy bấm theo dõi và đăng ký kênh Vythanh.com để lắng nghe những đầu sách hay ở những số tiếp theo nhé! Xin Chào!