Mến chào quý vị thính giả đang lắng nghe chuyên mục: “Sách hay mỗi ngày” của kênh Vythanh.com. Mình là Xenh và hôm nay mình sẽ giới thiệu đến các bạn 1 cuốn sách rất hay với tựa đề là: “Quẳng gánh lo đi và vui sống” của tác giả Dale Carnegie. Cuốn sách này có nội dung chính là bản tổng hợp những phương pháp mà nhiều người đã áp dụng trong thực tế để vượt qua nỗi lo lắng hướng đến một cuộc sống tươi vui, hạnh phúc. Hãy cùng Xenh lắng nghe và rút ra những bài học từ quyển sách này nhé!
Đầu tiên, Xenh muốn nói với mọi người là: “Lo lắng” hoàn toàn là một trạng thái cảm xúc tự nhiên của con người bởi khi đối diện với một tình huống không chắc chắn. Tuy nhiên, “nỗi sợ thường khiến chúng ta luôn lo nghĩ và việc suy nghĩ thường xuyên sẽ gây ra tình trạng căng thẳng đầu óc, ảnh hưởng trực tiếp đến các dây thần kinh điều khiển các bộ thần kinh khác nhau. Đó là nguyên nhân của nhiều căn bệnh như: Viêm loét dạ dày, rối loạn nhịp tim, đau đầu hay tê liệt…”. Do đó, để kiểm soát và thoát khỏi lo âu thì chúng ta cần phải áp dụng các phương pháp sau:
Thứ nhất, Phương pháp: Sống trong những ngăn kín thời gian, bỏ qua quá khứ, sống với hiện tại, không lo lắng đến tương lai.
Cụ thể: William Osler, người sáng lập và điều hành trường Y khoa Johns Hopkins nổi tiếng thế giới, giáo sư tại trường Đại học Oxford lấy cảm hứng từ một chuyến đi trên một chiếc tàu thuỷ băng qua Đại Tây Dương, ông thấy thuyền trưởng bấm vào 1 chiếc nút hô biến và ngay lập tức các bộ phận của tàu phân tách và kết hợp lại thành các ngăn kín bao bọc lấy các phần quan trọng ngăn không cho nước tràn vào những nơi trọng yếu. Khi đó, ông đã được truyền cảm hứng và nói với các sinh viên của mình: “Mỗi chúng ta đều là một bộ máy kỳ diệu hơn chiếc tàu thuỷ kia rất nhiều và hành Xenh cuộc đời của chúng ta cũng dài hơn so với hành trình một chuyến tàu. Tôi khuyên các bạn hãy học cách điều khiển bộ máy để có thể sống trong những ngăn kín của thời gian. Ở mỗi giai đoạn cuộc đời,hãy nhấn một nút và lắng nghe tiếng cửa sắt đóng lại, ngăn không cho quá khứ, cho những ngày hôm qua đã chết tràn vào. Hãy nhấn một chiếc nút khác để kéo lại rèm sắt, tách chúng ta khỏi tương lai, khỏi những ngày chưa đến. Giờ thì bạn đã an toàn. Hãy tách khỏi hôm qua bởi chính chúng ta đã soi đường cho những cái chết vô vị. Những lo âu về tương lai và quá khứ mà chúng ta vẫn mang bên mình sẽ là trở ngại lớn nhất. Hãy tách khỏi quá khứ và chôn vùi nó. Và cũng làm như thế với tương lai. Tương lai chính là hôm nay vì vậy chúng ta cần phải tránh xa hai ngăn “quá khứ” và “tương lai” để sống trọn vẹn trong ngăn “hiện tại”.
Tuy nhiên, lấy lời giảng của Chúa Giêsu “Đừng lo lắng cho ngày mai và sự thừa mứa của hôm nay chính là căn nguyên của ngày mai sau” làm lời răn, tiến sĩ Osler nêu lên quan điểm: Chúa Giêsu khuyên chúng ta “đừng lo” chứ không phải là “đừng nghĩ” cho tương lai. Vì thế để chuẩn bị cho tương lai chúng ta cần phải nghiêm túc đề ra các kế hoạch tương lai và tập trung cho hiện tại bởi: “Cách tốt nhất để chúng ta chuẩn bị tốt cho ngày mai chính là đem hết trí tuệ, nhiệt huyết để tập trung và làm tốt công việc hôm nay bởi đó là cách duy nhất để có thể chuẩn bị cho tương lai”
Tiếp đến, khi đối mặt với những lo lắng được xây dựng từ quá khứ và tương lai, bà Shields ở Michigan, Mỹ cũng cho biết: Sau khi chồng của bà qua đời, bà rơi vào cảnh túng quẫn và bà chọn đi làm để vơi bớt nỗi buồn. Bà sợ cảnh phải ăn cơm và lái xe một mình. Bà sợ không đủ tiền để trả tiền xe, tiền phòng và bà sợ mỗi sáng mai thức dậy phải đối mặt với cuộc sống. Bà lo lắng về mọi thứ xảy ra trước và sau khi chồng mất. Bà nhận thấy sức khoẻ của bản thân đang không ổn nhưng lại sợ không có tiền để đi đến bác sĩ khám bệnh. Tuy nhiên trong 1 lần tình cờ đọc được bài báo, câu nói: “Đối với một người biết nhận thức các giá trị cuộc sống thì mỗi ngày luôn là cuộc sống mới” đã đánh thức tâm trí và thôi thúc bà thay đổi. Bà nhận ra rằng em gái bà hẳn sẽ rất đau buồn khi ở lại trên cõi đời này một mình. Do đó bà đã học cách quên đi quá khứ, sống trong hiện tại để nghĩ về tương lai. Bà đã nhận ra “sống trọn vẹn và hết mình cho hiện tại cũng không quá khó khăn”. Bà đã chinh phục được nỗi sợ để trở lại nhiệt huyết và tràn đầy năng lượng với cuộc sống.
Do đó, tác giả Dale Carnegie chia sẻ: Nếu muốn hạnh phúc và sống trọn vẹn với hiện tại thì chúng ta hãy đóng chặt cánh cửa nặng nề dẫn đến quá khứ và tương lai. Bởi: “Trong mỗi giây tồn tại con người đều đứng tại nơi giao nhau giữa hai vùng đất đó là quá khứ mênh mông và tương lai bất tận. Chúng ta không thể sống nơi nào trong hai vùng đất đó dẫu chỉ là 1 tích tắc của thời gian. Nếu vẫn cố làm thế chúng ta sẽ huỷ hoại cả thể chất lẫn tinh thần của mình.”
Thứ 2: Phương pháp luôn khiến bản thân mình trở nên bận rộn thì tác giả Dale Carnegie đã chỉ ra rằng đây là 1 phương thức hữu hiệu giúp chúng ta không có thời gian phung phí cho việc lo nghĩ. Cụ thể các nhà tâm lý đã đưa ra lý giải đó là: “Một người dù thông minh đến đâu cũng không thể đồng thời nghĩ đến hai việc cùng một lúc. Chúng ta không thể cùng lúc vừa hăng hái, nhiệt tình, vừa cảm thấy lo lắng, bất an cho một việc khác bởi trạng thái cảm xúc này sẽ loại bỏ trạng thái cảm xúc kia.
Tuy nhiên Dale Carnegie cũng bày tỏ rằng: Trí tưởng tượng lúc thảnh thơi sẽ đáng lo ngại hơn bởi chúng sẽ vẽ ra nhiều khả năng cũng đại hậu quả tiêu cực khiến đầu chúng ta như động cơ quay tít. Cụ thể: “Trong lúc làm việc không ngơi tay, phần lớn chúng ta đều không phải khổ tâm vì suy nghĩ. Thế nhưng khoảng thời gian thảnh thơi sau giờ làm việc là rất nguy hiểm. Thời gian dành cho việc nghỉ ngơi vui vẻ ấy chính là lúc sự lo lắng buồn phiền dễ len lỏi vào tâm trí chúng ta nhất. Đó là lúc chúng ta bắt đầu băn khoăn liệu mình đã đạt được những gì trong cuộc sống như: Liệu đời mình có đang tẻ nhạt quá không? sếp có ý gì?… “
Do đó, để “không rơi vào màu đen thăm thẳm của những suy nghĩ mênh mông, lo lắng”, Đô đốc Byrd, một nhà thám hiểm tiên phong đồng thời là phi công nổi tiếng của Mỹ đã chia sẻ khi nhớ lại 5 tháng phải sống một mình dưới lớp tuyết vùng Nam cực lạnh buốt rằng: “Ban đêm, trước khi tắt đèn đi ngủ, tôi tập cho mình thói quen phân chia sẵn thời gian cho từng công việc ngày mai. Chẳng hạn như một giờ để thông đường hầm lên mặt đất đã bị tuyết phủ kín sau một đêm, nửa giờ để san phẳng lớp tuyết bao quanh hầm, một giờ để dựng thẳng lại các ống nhiên liệu…” Ông cho biết, “Cách làm này mang lại cho tôi nhận thức rõ ràng mình đang làm gì cho bản thân. Nếu không chuỗi ngày ở Nam Cực sẽ là những ngày trống rỗng và khi không có mục đích, cuộc sống của con người sẽ tự tan rã rồi chấm dứt”. Không chỉ thế, việc khiến cho bản thân bận rộn còn giúp cho ông có thể dễ dàng ngủ ngon sau một ngày làm việc mệt mỏi. Do đó tâm trí ông không có kẽ hở thời gian nào để suy nghĩ linh tinh bởi ngả lưng ông đã chìm vào giấc ngủ.
Thứ 3: Nguyên tắc hợp tác với những điều không tránh khỏi.
Cụ thể, ở phương pháp này, tác giả Dale Carnegie chia sẻ: “Trong cuộc đời, có thể bạn và tôi sẽ còn gặp những khó khăn mà không thể nào tránh được. Khi đó, chúng ta có quyền lựa chọn: Hoặc chấp nhận nó như những điều không thể tránh khỏi và điều chỉnh bản thân để thích nghi hoặc tự huỷ hoại đời mình bằng cách phản kháng để dẫn tới một cái kết suy sụp thần kinh”. Sở dĩ tác giả bày tỏ như vậy là vì rõ ràng trên thực tế hoàn cảnh không làm cho chúng ta bất hạnh hay hạnh phúc mà là cách chúng ta phản ứng với hoàn cảnh đó mới quyết định cảm xúc chúng ta vui hay buồn.
Chẳng hạn câu chuyện về bà Elizabeth Connley ở Portland, bang Oregon:
“Tôi nhận được thư từ Bộ Chiến Tranh và trong thư thông báo về việc cháu trai tôi – đứa cháu trai mà tôi yêu quý nhất đã mất tích. Không lâu sau một bức điện khác gửi đến xác nhận nó đã chết và tôi đã ngã quỵ vì quá đau buồn. Tôi đã góp công nuôi dưỡng đứa cháu trai này và nó là hiện thân của tất cả những gì đẹp đẽ nhất của tuổi trẻ. Tôi cảm thấy cay đắng và phẫn uất khi tại sao đứa cháu yêu quý của tôi lại ra đi? Tôi xao lãng công việc, thờ ơ với bạn bè. Tôi không thể chấp nhận điều đó. Nỗi đau buồn choáng ngợp đến nỗi tôi quyết định bỏ việc và dọn đi nơi khác để sống khép kín. Khi đang lau dọn và chuẩn ị rời đi tôi đã tình cờ thấy 1 lá thư mình đã bỏ quên. Đó là lá thư của đứa cháu trai xấu số viết cho tôi khi mẹ nó qua đời mấy năm trước. Trong lá thư ấy nó bày tỏ:
“Tất nhiên, chúng ta đều nhớ mẹ cháu, nhất là bà nhưng cháu biết bà sẽ gắng gượng được. Triết lý sống của bà sẽ giúp bà làm được điều đó. Cháu sẽ không bao giờ quên những gì bà dạy cháu. Dù ở đâu, dù có xa bà, cháu sẽ luôn nhớ bà dạy cháu phải biết cười và đón nhận những ngày sắp đến như một người đàn ông thực thụ”.
Tôi đọc lá thư và tưởng như thằng bé vẫn còn ở bên cạnh. Vậy là tôi quay lại làm việc. Tôi không còn cay đắng và nổi loạn nữa. Tôi thầm nhủ mọi chuyện đã qua và mình không thể thay đổi điều gì”.
Bà Elizabeth Connley sau cùng đã hiểu ra điều mà tất cả chúng ra rồi cũng phải hiểu dù sớm hay muộn đó là phải biết chấp nhận và hợp tác với những điều không tránh khỏi bởi: “Nếu đúng là thế thì không thể nào khác được”.
Nguyên tắc thứ 4: Áp dụng quy tắc 3 bước loại bỏ, giải quyết lo âu
Được đúc kết sau nhiều năm làm trong ngành chế tạo máy móc, Willis Carrier đã áp dụng giải pháp nhìn thẳng vào vấn đề và suy nghĩ đến tình huống xấu nhất để giải quyết. Cụ thể:
Khi Willis Carrier, còn làm việc cho công ty Buitalo Forge ở Buffalo, New York thì ông được giao nhiệm vụ là lắp đặt thiết bị làm sạch khí cho một hệ thống trị giá hàng trăm triệu đô với phương pháp mới. Tuy nhiên vì mới chỉ được thử nghiệm 1 lần trước đây nên ông đã gặp thất bại. Sau một thời gian dài chìm trong miên man của sự tự trách, bí bách thì ông hiểu ra lo lắng không đưa ông đến đâu mà ngược lại lo âu có thể khiến một người có thể chất mạnh khoẻ đổ bệnh trong thời gian ngắn. Do đó ông đã vạch ra kế hoạch 3 bước bao gồm:
- Bước 1: Mạnh dạn nhìn thẳng vào vấn đề, hình dung trong tình huống xấu nhất mọi chuyện sẽ ra sao.
- Bước 2: Sau khi dự đoán những điều tồi tệ nhất, ông tìm cách thuyết phục bản thân chấp nhận mọi chuyện khi cần thiết.
- Cuối cùng, bước 3: Bình tĩnh, dùng toàn bộ thời gian, sức lực tìm cách cải thiện tình hình dựa trên những điều tồi tệ nhất đã âm thầm chấp nhận.
Kết quả sau cùng, ông không chỉ giải quyết được vấn đề mà đồng thời còn làm tăng thêm uy tín với khách hàng. Ông nhận ra: Nếu cứ ôm khư khư sự lo lắng thì những suy nghĩ triền miên sẽ tiêu diệt khả năng tập trung và ta không thể đưa ra quyết định sáng suốt. Tuy nhiên nếu buộc mình phải đối mặt với điều tồi tệ nhất chúng ta sẽ loại bỏ được những tưởng tượng mơ hồ và tập trung cao độ vào vấn đề của mình. Do đó khi dám đối diện và chấp nhận rủi ro ở mức cao nhất chúng ta sẽ thoát khỏi đám mây mù mà nỗi lo lắng giăng ra trước mắt. Khi đó tầm nhìn của chúng ta sẽ sáng rõ để nhận biết chỗ đứng của mình. Đầu óc của chúng ta sẽ tỉnh táo và tìm cách thoát khỏi tình trạng khó khăn vì đó là lúc giải pháp tối ưu xuất hiện.
Cuối cùng, như một lời chúc sau khi đã nghe xong những chia sẻ, Xenh xin chúc cho bạn tâm luôn an và hướng đến những điều hạnh phúc. Hy vọng thông qua cuốn sách này bạn đã buông bỏ được những nỗi lo lắng, muộn phiền để an yên trong hiện tại và vững chãi trong tương lai. Hãy nhấn nút Like và Subscribe kênh Vythanh.com để lắng những chia sẻ về các cuốn sách hay trong thời gian tới nhé! Xin chào và hẹn gặp lại!