Mến chào quý vị thính giả đang xem chuyên mục “Sách hay mỗi ngày” của kênh Vythanh.com. Mình là Xenh và hôm nay mình sẽ giới thiệu cho các bạn 1 cuốn sách rất hay và cảm động về tình phụ tử đó là “Bố con cá gai” của tác giả là người người Hàn Quốc Cho Chang In.
Đầu tiên, trước khi bước vào nội dung của cuốn sách thì như thường lệ Xenh sẽ giới thiệu về tác giả cũng như nội dung sơ lược của quyển sách. Cụ thể: Tác giả Cho Chang In từng là một nhà báo, một người làm công việc liên quan đến ngành xuất bản nhưng hiện tại ông đã chuyển hướng sang công việc viết sách toàn thời gian. Trong xuyên suốt sự nghiệp viết lách của mình ông đã xuất bản nhiều cuốn sách nổi bật về tình cảm gia đình được nhiều người biết đến như: “Người gác hải đăng”, “Người vợ”, “Con đường”, “Mối tình đầu”, “Khi nàng mở mắt” hay tác phẩm ấn tượng hôm nay chúng ta cùng tìm hiểu là “Bố con cá gai”…
Tác giả Cho Chang In thường có văn phong viết nhẹ nhàng, tinh tế nhưng lại ẩn chứa nhiều sâu lắng về mặt cảm xúc. Cụ thể, khi chúng ta chạm tay và lật vào từng trang của quyển sách, chúng ta sẽ trải qua các cung bậc cảm xúc như: Tươi vui, đau buồn, khóc nghẹn bởi sự ngô nghê và chân thật của các nhân vật được tạc trong tác phẩm. Hôm nay hãy cùng Xenh hiểu rõ hơn về tình yêu và sự hi sinh của người cha trong cuốn sách “Bố con cá gai”, một tác phẩm đã lấy đi nhiều nước mắt của khán giả khi được chuyển thể thành phim, truyện tranh và dịch ra hơn 10 thứ tiếng trên thế giới!
Với tên của cuốn sách mang hàm nghĩa ẩn ý, nhiều người chưa đọc có lẽ sẽ cảm thấy khó hiểu vì vậy Xenh xin phép được giải thích là: Tên sách “Bố con cá gai” được lấy cảm hứng từ hình ảnh con cá gai. Một loài cá có tập tính là sau khi cá mẹ đẻ xong các quả trứng chúng sẽ bỏ đi. Khi đó cá bố sẽ làm nhiệm vụ chăm sóc, nuôi lớn con cho đến khi cá con trưởng thành, tự lập và cá gai bố sẽ đập đầu vào đá ra đi thanh thản.
Có lẽ chính vì sự tương đồng trong hoàn cảnh mẹ bỏ đi, cha cậu luôn tần tảo chăm sóc, quanh quẩn và túc trực bên giường bệnh đó đã làm Daum – Cậu bé con chỉ mới 10 tuổi mắc căn bệnh máu trắng liên tưởng đến bố. Cậu bé thấy “bố thật là một tên ngốc” nhưng cậu lại thương bố vô ngần. Vậy thì ngay bây giờ các bạn hãy cùng Xenh điểm lại những khoảnh khắc lấy đi nước mắt của độc giả trên tuyến tính tâm trạng của Daum và bố nhé!
Đầu tiên, khoảnh khắc Daum nhận thức được về căn bệnh máu trắng của mình. Cậu bé cảm thấy tự hào về bản thân bởi cậu bé chịu đau giỏi hơn những đứa trẻ khác nhưng sự tự hào đó lại khiến nhiều người không khỏi cảm thấy xót xa. Cụ thể:
“Tôi không phải là đứa trẻ hèn nhát đâu. Hèn nhát á? Các bác sĩ đều công nhận là tôi rất mạnh mẽ. Thực ra thì trong phòng bệnh, chẳng có đứa trẻ nào chịu tiêm và uống thuốc giỏi như tôi đâu nhé”.
Tuy nhiên chỉ bẵng đi một thời gian sau đó, từ những nỗi đau chất chồng từ ngày này qua tháng nọ cậu bé đã không thôi chịu đựng nổi nữa. Cậu bé nói với Trưởng khoa Min: “Bác sĩ ơi, phải đau thêm bao nhiêu nữa thì mới chết được ạ?”
Cậu bé ấy khi ấy đã “tận mắt chứng kiến những đứa trẻ cùng phòng bị chết. Có những đứa bé chết khi đang ngủ, cũng có cả những đứa bé đang la hét ầm ĩ đột nhiên tắt thở”. Cậu bé nghĩ: “Giá như tôi được chết khi đang ngủ thì thật tốt biết mấy”. Cậu bé không còn muốn cầu nguyện cho bệnh của mình thuyên giảm mà giờ cậu chỉ còn mỗi mong ước rằng thời gian sẽ trôi thật nhanh bởi nó đồng nghĩa với việc cậu bé đang đến gần hơn con đường dát vàng của Chúa. Cậu nhỏ nhẹ cầu nguyện: “Chúa ơi, xin hãy mau đưa con lên thiên đường” và cậu đáp lời của bác sĩ: “Bây giờ cháu chỉ cần không phải đau đớn nữa thôi. Đau đến mức thế này thì chết đi cũng được. Vì nếu chết đi thì cháu sẽ không còn cảm thấy đau nữa”. Cậu bé khi ấy thà chịu lấy cái chết còn hơn sống với nỗi đau bởi giờ đây cậu bé đã “chán ngán với bệnh tật lắm rồi”.
Tiếp đó, khi thấy những lần phòng Y vụ hạnh hoẹ với bố vì tiền viện phí, cậu bé lại cho rằng nếu mình sớm ra đi sẽ là cách để gỡ bỏ gánh nặng cho người bố nghèo rớt mồng tơi khi đó. Thế nhưng cậu lại suy nghĩ: “Nếu tôi lên thiên đường mất thì bố sẽ sống một mình thế nào nhỉ? Liệu bố có lại uống rượu như khi mẹ ra đi hay không? Tôi thật sự rất lo lắng vì điều đó”. Cậu bé Daum khi đó đã muốn khỏi bệnh, muốn được về nhà và đi học ở trung tâm với các bạn nhưng cuộc trò chuyện giữa người bố và Trưởng khoa Min đã hé lộ việc ghép tủy đã không còn khả thi. Cậu bé chỉ còn có thể sống qua ngày chỉ dựa vào những đợt thuốc.
Bố cậu không dám nói ra sự thật ấy. Anh gieo vào đầu đứa trẻ hy vọng là nó đang dần bình phục và đứa trẻ đã tin rằng: “Điều trị nốt lần này nữa thôi là con được xuất viện nhỉ?”, “Con đã đau đớn thế này mà lại chết thì có vẻ uất lắm đúng không bố?”.
Trước những câu hỏi đầy hy vọng, nụ cười lâu lắm mới xuất hiện trên khuôn mặt của đứa trẻ anh chỉ có thể lấy cớ đi vào phòng vệ sinh, chốt cửa, mở vòi nước rồi nhìn lên chiếc gương lấm tấm vết ố và khóc. Anh đau đớn và nghĩ: “Đứa trẻ đã từng nói rằng nếu như được chết thì tốt biết mấy. Ấy là lúc niềm hy vọng vẫn đang còn le lói như ánh đèn hải đăng giữa mịt mùng biển khơi. Anh đã tin rằng nhờ ngọn đèn hải đăng mà những con tàu có thể biết đường đi, vượt qua mọi sóng gió bão bùng ngoài biển cả và chạm tới đất liền một cách bình an vô sự”. Ấy vậy mà: “Giờ đây tất cả chỉ còn là một biển đầy u ám và tuyệt vọng. Nhưng dù muộn màng thì đứa trẻ vẫn đang cố gắng sống. Điều đó thật uất ức”.
Sau đó, để ngụy trang cho lời nói dối, anh đã đưa Daum đến nhà thờ để tạm biệt mục sư và những người bạn để lên xe và đi du lịch. Nhìn đứa trẻ phấn khích và không ngừng reo hò lòng anh đã nguôi ngoai nỗi lo lắng mặc dù anh biết đứa nhỏ có thể tái phát bệnh bất cứ lúc nào. Anh đã tự nhủ bản thân rằng “Chẳng thà để đứa trẻ vui vẻ một ngày còn hơn phải chịu đựng cả ngàn năm đau khổ”.
Ngay khoảnh khắc đứa trẻ bước chân vào siêu thị ở trạm dừng chân nhỏ, trước lời nói rằng đứa trẻ có thể mua bất cứ món đồ nào và được trả tiền cho món đồ nó thích khiến anh thấy đó là một khoảnh khắc của sự kỳ diệu. Anh trân quý phút giây ấy bởi đối với 1 đứa trẻ nằm hoài trong bệnh viện thì đồ ăn vô trùng là 1 sự ám ảnh trói buộc với đứa nhỏ. “Nhìn nụ cười sảng khoái của đứa trẻ, anh có cảm giác như những nỗi lo lắng và bất an của mình bỗng chốc được tan biến”. Anh cảm thấy bản thân đã đúng bởi: “Nếu như vẫn đang ở bệnh viện thì có lẽ đến tận giây phút cuối cùng chắc anh cũng không thể thấy một lần đứa trẻ cười thành tiếng thế này”.
Anh đã giữ được lời hứa đưa Daum đến biển, nơi cậu bé vẫn hằng mong ước nhưng kể từ ngày mẹ cậu bé bỏ đi bố và cậu chưa từng lui đến. Sau đó vì giá phòng ngất ngưởng nên mặc dù muốn để đứa trẻ ở lại biển lâu hơn nhưng anh phải tìm kiếm một nơi mới để bảo vệ sức khoẻ của đứa nhỏ. Anh đã tình cờ gặp được 1 ông lão và anh theo chân lên núi hái những thảo dược và bắt lấy những con rắn độc nấu canh với mong muốn bài thuốc dân gian sẽ khiến đứa nhỏ khỏe lại.
Anh tự nhủ: “Đứa trẻ hiện tại như đang ôm trong mình một quả bom hẹn giờ nhưng rõ ràng là đứa trẻ không còn dáng vẻ kiệt quệ như trước kia”. Do đó mặc dù không an tâm khi xa và để con ở một mình khi nhưng anh vẫn quyết định thử một lần xem kết quả liệu có khác. Như đáp lại kỳ vọng của anh và đứa trẻ, bát canh rắn cũng những xương hươu và nấm rừng đã giúp khiến cho “Khuôn mặt của đứa trẻ đang khác đi từng ngày, dần dần nó có da có thịt hơn, không còn bị nôn mửa hay tiêu chảy, các triệu chứng như sốt cao đột ngột hay chảy máu chân răng và co giật cũng không còn xuất hiện nữa…”.
Sau cùng thì sự thật về bát canh rắn thay vì gà hầm cũng bị cậu bé phát hiện, cậu bé suýt ặc té. “Chẳng phải bố đang lấy cái đũa tre dài cho con rắn vào trong cái nồi trên bếp củi sao? Lại còn là một con rắn đang sống và ngọ nguậy”. Cậu bé cảm thấy điều này thật kinh khủng và tự nhủ sẽ không uống nhưng rồi lại thỏa hiệp vì “phải thế bố tôi mới vui được”.
Tuy nhiên sau 36 ngày rời bệnh viện căn bệnh của cậu bé lại một lần nữa tái phát. Canh rắn hay thảo dược trên núi Sarakgol vẫn không kìm nổi quả bom nổ chậm. Khi đau đớn lại một lần nữa hành hạ khiến cậu bé ngất lịm, cậu bé vẫn mỉm cười và cố gắng động viên bố trước khi mắt díu lại: “Bố, con không sao đâu. Con buồn ngủ nên vậy thôi”.
Bố cậu bé khi ấy đã không thôi tự trách bản thân vì “chui vào cái nơi núi non trùng điệp”. Anh cảm thấy hối hận khi thấy thân thể đứa trẻ “đỏ rực lên như hòn than lửa, đôi môi tím tái và co giật từng hồi”. Anh cầu xin Thượng đến: “Hãy cho tôi được chịu trừng phạt thay đứa trẻ. Xin Ngài hãy cứu sống nó. Tôi xin ngài”.
“Đứa trẻ sau đó mở mắt, nó dáo dác tìm anh nhưng con ngươi đỏ ngầu vì những mạch máu vỡ. Chức năng thị lực và ngôn ngữ của đứa trẻ đã bị tổn thương vì tế bào ung thư đã di căn đến hệ thần kinh trung ương”.
“Con mệt lắm phải không?
Nước mắt ròng ròng chảy ra từ đôi mắt của đứa trẻ. Vai nó bấy giờ rung lên, nó bắt đầu khóc trong im lặng
Anh cảm thấy bất lực nên chỉ có thể nói ra câu xin lỗi.
Sau khi liên lạc và báo lại tình hình của con trai cho cho vợ cũ, anh hứng chịu một cơn cuồng nộ. Mặc dù đã tìm được người ghép tủy thích hợp như một điều kỳ tích nhưng khó khăn hiện tại với anh không chỉ có một. Viện phí anh không thể chi trả, tập thơ bán ra chưa nhận được tiền. Anh cảm thấy suy sụp khi “vượt qua một ngọn núi thì lại gặp một con sông sâu, và sau khi vùng vẫy để vượt qua con sông sâu thì lại phải đối mặt với một vách đá dựng đứng. Thế nhưng ấy vẫn chưa phải là điều tệ nhất bởi khi anh quyết định bán thận, một việc làm bất hợp pháp thì anh phát hiện bản thân mắc căn bệnh ung thư gan giai đoạn cuối. Anh cảm thấy kiệt quệ nhưng rồi sau vài ngày anh nhận ra “Bản án tử là thật, việc anh là cha đứa trẻ cũng là một sự thật rõ ràng. Anh không thể dằn vặt và đau khổ mãi”. Do đó, để lo cho tương lai của con anh đã quyết định bán giác mạc và liên hệ với người vợ cũ.
Anh chia sẻ với trưởng phòng Song ở trung tâm buôn bán nội tạng:
“Tôi muốn làm một điều gì đó cho nó trước khi chết, chẳng phải vì thế tôi cũng thấy thanh thản hơn sao. Đó là tấm lòng của tôi”.
Anh chấp nhận ký vào bản cam kết với người vợ cũ rằng sẽ từ bỏ đứa con mà anh coi như sinh mệnh cuộc sống. Anh cảm thấy như vậy sẽ tốt hơn bởi giờ đây ngay cả sự sống của chính mình anh cũng không thể tài nào tự lo nổi.
Anh đau lòng nói với đứa trẻ mới bắt đầu tập tễnh tập đi lại sau cuộc phẫu thuật:
“Nếu gặp mẹ con tuyệt đối không được làm mẹ thất vọng như lần trước đâu nhé. Con phải thân thiện với mẹ. Con hãy yêu mẹ giống như mẹ yêu con ấy. Và… Sau này, sau này con hãy sống với mẹ”.
Đứa trẻ “tức đến nghẹn họng” vì không hiểu sao bố mình lại quyết định như thế bởi cậu bé nghĩ: “Cho đến bây giờ dù không có mẹ thì chúng tôi vẫn sống vui vẻ, sao giờ bố lại nói những điều lạ lùng thế nhỉ?”
Cậu bé phụng phịu:
“Con không thích, không thích!”
“Lẽ ra con nên chết quách luôn cho xong. Không biết chị người Nhật cho con tuỷ sống làm gì nữa.”
Đứa trẻ sau đó cũng không còn van xin được sống cùng bố nữa, chẳng ai hiểu tại sao. Có lẽ cậu bé tưởng bố sẽ sống với cô Yeo Jin Hee và không cần cậu. Hoặc rằng nó tin vào lời nói của bố nó: “Daum đã sống cùng bố 4 năm nên cũng phải sống với mẹ 4 năm mới công bằng chứ.” Nó nhìn bố với đôi mắt ầng ậng nước mắt.
Sau ngày hôm đó, anh và Daum không gặp lại nhau nữa. Đúng hơn là người vợ cũ không cho phép anh gặp con bởi muốn anh cắt đứt hoàn toàn tình cảm.
Cậu bé nhớ bố và vô cùng nhớ bố. Cậu chưa thấy bố bỏ mặc mà không quan tâm cậu như lúc này bao giờ. Cậu bé hỏi bác sĩ:
“Cháu bị bệnh nặng lắm phải không ạ?”
“Không phải đâu. Bạch huyết cầu trong người của Daum gần như trở lại bình thường rồi. Thế nên cảm cúm sẽ sớm bị đánh lùi. Chỉ khoảng ngày mai, ngày kia là cháu có thể ra khỏi phòng vô trùng rồi. Bác hứa với cháu đấy”.
“Không phải, rõ ràng cháu ốm rất nặng mà.”
“Tại sao cháu lại nghĩ toàn những điều không tốt như vậy?”
“Bố cháu ấy mà, bố cháu không biết là cháu đang rất đau ạ.”
“Bác sĩ trưởng khoa thân với bố cháu mà. Thế nên bác hãy nói với bố cháu giúp cháu đi. Daum rất đau. Đau đến chết mất”.
Cậu bé nghĩ nếu như mình cứ đau như thế bố sẽ đến vì bố thương cậu. Vậy mà chỉ khi đến ngày cuối cùng cậu sắp bay sang Pháp, ở hướng nhìn ngược ánh đèn đường cậu mới được gặp lại bố. Cậu bé chạy nhào tới muốn được ôm và vỗ về nhưng bố cậu chỉ cất một giọng lạnh lùng:
“ Con đứng ở đấy”.
Đứa trẻ chần chừ rồi đứng khựng lại.
“Bố ơi con nhớ bố quá”.
“Bố vẫn khoẻ”.
“… Ánh đèn đường chói quá con không nhìn rõ bố. Con ngồi cạnh bố được không ạ?”
“Không được, con cứ đứng đó”.
Người bố sợ cậu bé nhận ra ẩn sau ánh sáng đó là làn da vàng vọt và chiếc bụng đã dần sưng sỉa vì những dấu hiệu rõ rệt của căn bệnh.
Đứa trẻ lén lùi lại một bước chân vốn định tiến đến phía trước.
“Đêm nay con sẽ sang Pháp đấy ạ”.
“Bố biết rồi”.
“Con sẽ đi máy bay đấy. Bố cũng biết rồi mà. Con là đứa nhát đến mức còn chẳng dám leo lên cầu trượt ấy”.
Đứa trẻ không nói rằng nó không muốn đi. Nó nói với bố rằng:
“Con đòi gặp bố đấy”.
“Đến Pháp rồi con gọi điện thoại di động cho bố được chứ ạ?“
“Không được.“
“Thư thì sao ạ? Con viết thư được chứ?“
“Không, không cần đâu.“
Từ khóe mắt đứa trẻ, nước mắt ứa ra. Đứa trẻ vừa lắc đầu vừa nhìn xuống chân như thể cố kìm nước mắt.
– “Vậy bố sẽ đến gặp con chứ?”
“Con đừng chờ.”
“Nếu vậy muốn gặp bố thì con phải đợi qua bốn năm ạ?”
“Trước khi con hai mươi tuổi thì tuyệt đối đừng có nghĩ đến việc quay lại mảnh đất này.”
“Nhưng mà bố ơi, nếu đợi đến hai mươi tuổi thì còn mười năm nữa cơ mà”.
Sau khi để lại kẹp tóc muốn tặng Eunmi cho cô Jin Hee cậu bé lại nói:
“Bố ơi, con có một điều muốn nhờ bố… Tai của bố ấy mà. Con muốn chạm vào một lần thôi. Bố cho con chạm vào một lần được không?”
Người bố lắc đầu và bảo cậu bé:
“Nói đến đây thôi. Con đi đi.”
“Mẹ đang chờ con đấy. Quay về đi.”
“Nhanh!”
Người bố lớn tiếng đầu quả quyết khiến đứa trẻ sợ hãi quay mặt đi. Khi này anh khẩn thiết mong đứa trẻ sẽ quay lại ngay lập tức. Thế nhưng anh lại nói:
“Bố sẽ quên con. Vì thế con cũng hay quên bố đi. Con hãy sống và nghĩ rằng con không có bố. Con đi ngay đi. Tuyệt đối không được quay đầu lại. Con hãy thật mạnh mẽ chạy về phía mẹ”.
Anh biết đây là khoảnh khắc tất cả đã kết thúc. Anh chưa từng nghĩ sẽ bỏ đứa con mình như khoảnh khắc bố anh đưa anh ăn bát mì tương đen rồi vùi vào tay nắm thuốc chuột. Bố đã bỏ đi sau khi đưa anh đến đồn cảnh sát. Anh không còn bố nên sợ làm bố. Thế nhưng ngày Daum có mặt trên cuộc đời anh đã làm hết tất thảy những gì có thể làm. Anh không nỡ buông tay nhưng đây là điều tốt lành còn lại anh có thể làm cho đứa trẻ.
Đây có thể sẽ là một cái kết buồn với nhiều người nhưng nó chính là sự tiếp diễn của cuộc sống ở trong thực tế. Dù không phải cuộc đời lúc nào cũng hoàn hảo nhưng với ý chí anh đã vươn lên giúp con mình chiến thắng bạo bệnh. Có lẽ lời Chúa đã nghe thấy lời anh khi anh cầu nguyện rằng sẽ chịu đựng nỗi đau thay đứa trẻ.. Anh chấp nhận bản thân mất đi đôi mắt bởi với anh đôi mắt chẳng còn ý nghĩa gì nếu anh mất đi Daum – Ánh sáng và niềm tin yêu của cuộc đời.
Với những chia sẻ vừa rồi của Xenh thông qua quyển sách, hy vọng rằng bạn thêm trân quý hơn những tình cảm của cha mẹ, con cái bởi dù thế nào chăng nữa gia đình sẽ luôn là nơi giúp chúng mình vững tin và sạc lại năng lượng mỗi khi mỏi mệt. Hãy cùng Xenh đón xem các quyển sách hay trên Kênh Vythanh.com nhé! Nếu bạn có mong muốn Xenh Review cuốn sách nào khác hãy để lại comment, nhấn nút đăng ký kênh để lắng nghe những chia sẻ của Xenh trong số tiếp theo! Thân ái và mến chào quý vị khán giả!
SÁCH “BỐ CON CÁ GAI” – CHO CHANG IN PDF