Thông điệp: Thái độ tôn trọng mọi người là bước đệm đà dẫn tới thành công
Bạn biết không, không chỉ văn hoá phương Đông đề cao những lễ nghi, phép tắc mà ở bên Phương Tây, họ cũng rất chú tâm việc tu dưỡng và rèn luyện nhân cách thông qua các quy tắc ứng xử. Hôm nay, quý thính giả hãy cùng Xenh bỏ túi thêm những bí kíp nuôi dạy con của người dân Mỹ thông qua cuốn sách “55 quy tắc ứng xử thiết yếu để thành công” của Ron Clark nhé!
Đầu tiên, trước khi chúng ta tìm hiểu sâu hơn về nội dung sách, Xenh xin phép tóm gọn lại bối cảnh ra đời của quyển sách để khán thính giả có thể hiểu rõ hơn về tác giả cũng như đối tượng sách hướng đến như sau:
Thầy giáo Ron Clark (tức tác giả của quyển sách) chia sẻ rằng bản thân rất may mắn khi được sống trong một gia đình coi trọng vai trò của giáo dục. Do đó, khi trở thành một giáo viên bất đắc dĩ của ngôi trường khó khăn nhất nước Mỹ là Harlem vào năm 1995, thầy đã nhận thấy đây là một ngôi trường không chỉ thiếu thốn về điều kiện cơ sở vật chất mà những trẻ em nơi đây cũng không nhận được “sự quan tâm” đúng nghĩa của thầy cô giáo để phát triển. Ron Clark Không chấp nhận nền giáo dục hời hợt với những đứa trẻ, do đó thay vì chỉ đi dạy qua loa, qua bữa thì Ron Clark đã cố gắng nhổ những ”chiếc đinh“ phân biệt và định kiến để xoá nhoà rào cản rằng trẻ em nơi đây mãi chỉ là những đứa trẻ thụt lùi không làm nên trò trống gì. Nghĩ là làm, sau khi quan sát những đứa trẻ trong lớp học của mình, Ron Clark đã dạy cho trẻ em nơi đây thế nào là cách “cư xử phải phép và tôn trọng người khác”. Ngay lập tức, Ron Clark đã vạch ra 1 cuốn sách mang tên “55 nguyên tắc ứng xử thiết yếu để thành công” để thay đổi nhận thức và truyền động lực cho các học trò của mình. Ông đã chứng minh cho cả đất nước thấy sự thay đổi tích cực của những đứa trẻ thông qua xu hướng giáo dục đổi mới. Tiếp đó ông cũng vinh dự được Tổng Thống Mỹ Clinton và Phu nhân gửi lời mời tới tham gia buổi trò chuyện trực tiếp tại Nhà Trắng. Quyển sách của ông biên soạn cũng trở thành nam châm giáo dục của nhiều trường học và các bậc phụ huynh khi liên tiếp được chuyển dịch sang nhiều ngôn ngữ trên thế giới.
Vì thời lượng video có hạn nên Xenh xin phép chỉ trích dẫn 8 trong tổng số 55 nguyên tắc tâm đắc mà Ron Clark đã áp dụng để giúp học sinh của ông duy trì những nề nếp và phát huy năng lực của bản thân để trở thành những đứa trẻ ưu tú.
1. Khi trả lời người lớn
“Khi trả lời người lớn tuổi hơn mình, bạn phải tỏ ra lịch sự. Không được chỉ gật hoặc lắc đầu, cũng không được nói trống không”.
Ron Clark xếp nguyên tắc này ở vị trí đầu tiên trong quyển sách “55 Nguyên tắc ứng xử thiết yếu để thành công” bởi theo ông là một trong những quy tắc quan trọng nhất trong quan hệ giao tiếp. Ông cho rằng, hành động chỉ gật đầu, lắc đầu hay nói trống với người lớn hơn mình là một hành động không lịch sự. Ông cho biết, chỉ khi chúng ta thưa gửi, vâng dạ và nói rõ ý thì người đối diện mới có thể hiểu đúng ý nghĩa để thực hiện và đáp ứng những kỳ vọng của lời nói.
Tiếp đó, ở góc độ quan sát khác Ron Clark bày tỏ rằng, những đứa trẻ không nói “vâng”, “dạ” trước mỗi câu trả lời với người lớn hoặc chúng chỉ bày tỏ thái độ thông qua cách lắc đầu hay chỉ gật đầu cũng không hẳn là bất lịch sự. Bởi theo ông, những đứa trẻ này vốn dĩ chưa được người lớn dạy bởi người lớn không để ý đến chi tiết hay vấn đề nhỏ như vậy.
Khi tôi đọc đến đây, tôi bất giác thấy hình ảnh tôi của ngày xưa và câu chuyện mà tôi được bạn tôi kể lại khi bạn tham gia 1 chuyến đi mùa hè xanh năm ngoái. Cụ thể, tôi sinh ra và lớn lên tại 1 vùng quê nghèo, hẻo lánh ở Đắk Lắk, bố mẹ tôi phải nghỉ học từ lớp 2, lớp 3 để chăn trâu và phụ chăm em cho ông bà từ tấm bé. Do đó với vốn hiểu biết ít ỏi của người dân vùng cao dân tộc thiểu số, bố mẹ tôi với vốn tiếng Kinh chưa sõi tiếng lấy đâu ra “cái hiểu” về những quy tắc ứng xử thiết yếu này để biết mà dạy cho những đứa trẻ của họ?
Và thế, tôi lớn lên và đáp trả những câu hỏi của bố, của mẹ với những câu từ ngắn ngủi, không thưa, không dạ. Tôi khi đó cũng không biết nó tồn tại 1 vấn đề mà người ta vẫn thường hay gọi là “phép lịch sự tối thiểu”.
Cho đến khi tôi được đi học, tôi và các bạn, những đứa trẻ đều có cha, mẹ “ít học” mới được thầy cô giáo chỉ dạy. Chúng tôi đã biết thưa, biết dạ, biết lịch sự nói cảm ơn, biết cúi đầu nhận lỗi và nhẹ nhàng nói chuyện ôn hoà, không gắt gỏng khi nói chuyện với người khác. Và chính những đứa trẻ “chưa biết phép lịch sự tối thiểu ngày ấy”, sau khi trở thành người cầm phấn trong chuyến tình nguyện trên bản làng Đắk Glong, Đắk Nông lại tiếp tục nói nhỏ nhẹ với đám trẻ rằng: “Khi nói chuyện với người lớn các con nhớ nói “thưa cô”, “thưa chú” và đặt chữ “Dạ” lên đầu để bày tỏ sự tôn trọng”.
Vậy đó, Xenh nghĩ, không chỉ ở trẻ em mà cả đối với những người lớn, khi nói chuyện với người đối diện họ cần phải cho đối phương biết nhu cầu muốn được tôn trọng của bản thân. Cụ thể, “nếu muốn bọn trẻ tôn trọng mình, bạn cần cho chúng biết”. Xenh nghĩ đó cũng là lý do Ron Clark được tôn trọng khi đã bày tỏ mong muốn sẽ được tôn trọng trong cuộc gặp gỡ tiếp theo.
Tiếp theo, nguyên tắc số 2: Che miệng khi ho hay hắt hơi, sau đó nói câu xin lỗi.
Cụ thể: “Khi ho, hắt xì hay ợ hơi, bạn phải quay đầu sang chỗ khác và che miệng bằng cả bàn tay, chứ không phải dùng nắm tay. Sau đó, bạn cần nói “tôi xin lỗi”.
Ông cũng cho biết: “Nguyên tắc này nghe có vẻ đơn giản, vậy mà rất nhiều trẻ em chưa được chỉ dạy. Và thỉnh thoảng, tôi còn bắt gặp vài người lớn không lấy tay che miệng khi ho hay hắt hơi tại nơi công cộng”. Chính vì thế mà Ron Clark đã khẳng định: “Trong mùa cảm cúm, tôi rất sợ phải sử dụng phương tiện công cộng để di chuyển, bởi vì thật khó tránh để khỏi bị người bên cạnh ho hay hắt hơi vào mình”.
Ron Clark đã lý giải rằng, hành động che miệng khi hắt hơi tại nơi công cộng không chỉ giúp ngăn cản vi khuẩn phát tán ra mọi đồ đạc xung quanh, mà bên cạnh đó, cách làm này còn làm có thể giảm nguy cơ gây bệnh cho những xung quanh vừa mới tiếp xúc.
Ông sau đó đã tiến tới nhắc nhở và nhấn mạnh với những người học trò của mình bằng một câu chuyện cổ xưa mê tín, “nếu chúng ta không dùng bàn tay che miệng khi hắt hơi, các linh hồn quỷ dữ có thể xâm nhập vào cơ thể và làm chúng ta ốm”. Học trò của ông ngay lập tức hưởng ứng nhanh chóng bởi câu chuyện đó không những giúp chúng ghi nhớ nhanh quy tắc mà còn giúp chúng hiểu được cội nguồn câu nói “Chúa phù hộ bạn” hay “Chúc bạn sức khỏe!” mỗi khi ai đó vừa ho hay hắt hơi xong.
Xenh cho rằng đây là 1 cách dạy rất thú vị để con trẻ có thể ghi nhớ nhanh và nhớ lâu về quy tắc liên quan đến sức khoẻ này.
Thứ 3: Không phàn nàn về món quà nhận được.
Với quy tắc này, Xenh nghĩ rằng không chỉ con trẻ mà ngay cả những người lớn cũng đều mong chờ những món quà vào các dịp lễ, tết. Tuy nhiên vấn đề phản hồi cảm xúc khi nhận được 1 món quà không phải ai cũng biết cư xử sao cho đúng đắn. Cụ thể theo Ron Clark: “Khi chúng ta nhận được một món quà, đừng bao giờ xúc phạm người cho bằng nhận xét không tốt về món quà, hay bằng cách nói bóng gió rằng chúng ta không chờ đón món quà đó.
Ron Clark nhớ lại, trong một lần nọ ông hứa với những người học trò của mình rằng nếu ai đạt điểm cao nhất môn tập đọc sẽ được đến Charlotte Hornet xem thi đấu bóng rổ, gặp gỡ các cầu thủ và ngủ lại khách sạn. Các học trò của ông khi đó đã rất hào hứng và chơi rất thoải mái. Tuy nhiên chỉ 1 tháng sau, món quà tiếp theo mà học sinh xuất sắc nhận được là phần thưởng một chuyến đi chơi bowling gần trường khiến những đứa trẻ cảm thấy buồn bã bởi chuyến đi này không hấp dẫn bằng chuyến đi trước
Ron Clark sau đó đã thừa nhận bản thân mình rất buồn bởi những lời phàn nàn. “Tôi quyết định huỷ chuyến đi chơi bowling và không có bất kỳ phần thưởng nào khác”. Ông cho biết mặc dù đó là hành động nghiêm khắc nhưng ông cảm thấy điều đó là cần thiết và hiệu quả để những đứa trẻ ghi nhớ bài học mà ông đã truyền đạt.
Một lần khác, để cho minh chứng cho hành động “trẻ em cũng cần phải học cách nhận quà để thể hiện sự tôn trọng đối với người tặng”, Ron Clark kể lại sự thay đổi của cháu trai Austin 4 tuổi “lúc nào cũng chạy tới ôm hôn tất cả mọi người dù nhận được món quà là gì” thành “quay ra tỏ thái độ” với người cậu khi được tặng quần áo và đó là món quà mà cu cậu không thích. Ron Clark khi đó đã ngay lập tức chỉnh đốn hành động của cậu bé bằng cách thực hành lại bài học cảm ơn khi nhận được những món quà mới được tặng.
Tương tự với những trường hợp Xenh vừa kể thì ắt hẳn nhiều người không còn xa lạ với tình cảnh sượng trân khi trao phong bao lì xì ngày tết, những đứa trẻ được người lớn trao lộc và nhanh chóng mở bao lì xì và thốt lên một câu khiến người trao phải đỏ mặt là “Sao chỉ có 50 nghìn?”… Xenh cho đây là một hành động không đẹp và cần chấn chỉnh bởi người lớn và bố mẹ của đứa trẻ. Vậy nên, mong bạn hiểu được ý nghĩa của món quà. Hy vọng món quà được tặng và được nhận sẽ làm khắng khít thêm mối quan hệ chứ không phải đẩy lùi họ thêm xa ra.
Nguyên tắc 4: Không giữ chỗ trong phòng ăn
Mình nghĩ rằng ở đây chắc hẳn có rất nhiều bạn đã rơi vào trường hợp giữ chỗ giùm hoặc ngậm ngùi ra đi vì hết chỗ. Mình không biết khi đó các bạn nghĩ gì. Có phải bạn sợ bị chê trách, bạn sợ những người bạn đó của mình bỏ rơi và để lại bạn một mình. Mình tin là dù là trong trường hợp nào bạn cũng không mong rằng bản thân sẽ rơi vào cảnh “bị cô lập và thui thủi” bởi mình cũng vậy.
Trong cuốn sách “55 quy tắc ứng xử thiết yếu để thành công” Ron Clark đã đưa ra nhận xét rằng: “Dường như ai trong số chúng ta cũng từng biết đến cảm giác bị bỏ rơi” do đó ông không mong rằng những học trò của mình cô lập những bạn học khác bởi ai cũng đều bình đẳng khi có cơ hội cùng ăn và nói chuyện cùng những người bạn khác, ông không mong muốn việc giữ chỗ, hay chơi theo nhóm sẽ khiến một trong số những người bạn còn lại bị “loại bỏ”.
Ron Clark sau đó đã nói với những người đứa trẻ của mình rằng, chúng không cần phải thích tất cả các bạn trong lớp bởi điều đó tương tự việc ông là người lớn và ông cũng không thể thích hết những người ông từng gặp. Tuy nhiên ông vẫn hy vọng rằng những đứa trẻ của ông sẽ, “cố gắng đối xử với tất cả mọi người quen biết bằng thái độ tôn trọng và thân thiện nhất” bởi không ai mong muốn sống trong sự “loại bỏ”.
Hy vọng với những thông tin hữu ích trên có thể áp dụng tốt và gia tăng hảo cảm của mọi người dành cho bạn. Hãy Follow và Subscribe kênh của Xenh để nghe thêm những nội dung hữu ích khác nhé! Hẹn gặp lại bạn trong những video sau.
**Vì nội dung của bài sẽ được chuyển thể sang dạng voice lồng video Youtube vậy nên xin phép độc giả cho Xenh được dùng danh xưng khán, thính giả thay vì độc giả. Xenh xin cảm ơn!
Vy Thanh